Thân thế và sự nghiệp Đặng Kinh

Ông sinh năm 1922 tại xã Bắc Sơn, huyện An Lão, tỉnh Kiến An, nay thuộc thành phố Hải Phòng. Do nhà quá nghèo, năm 11 tuổi ông đã phải đi đội than kiếm sống, ông tự học chữ Nho.

Năm 1937, ông bỏ nghề đội than ở mỏ Hà Lầm thuộc khu mỏ Hồng Quảng và trở thành người liên lạc của nhà cách mạng Tô Hiệu

Năm 1941, ông tham gia Mặt trận Việt Minh và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản tháng 7 năm 1944. Ngay sau đó, ông nhận lệnh lên Thái Nguyên học quân sự 15 ngày cùng với ông Văn Tiến Dũng.

Tháng 11 năm 1944, ở Tân Phong, Kiến Thụy (Kiến An) diễn ra một cuộc họp của Xứ ủy Bắc Kỳ dưới sự chỉ đạo của nhà cách mạng Mai Côn – cán bộ xứ ủy. Mặt trận liên tỉnh Hải Phòng – Kiến An được thành lập gồm bảy người trong đó có ông. Đồng thời, cuộc họp đưa ra quyết định đẩy phong trào cách mạng đang phát triển tại Hải Phòng – Kiến An lên thành một cao trào.

Ngày 12/7/1945, sau một cuộc mít-tinh tại Kim Sơn, Kiến Thụy mặt trận liên tỉnh tuyên bố thành lập ở đây chính quyền nhân dân đầu tiên của vùng duyên hải. Trước tình hình đó, ngày 4/8/1945, từ Hải Phòng, quân Nhật đưa hai xe Cam-nhông lính có súng cối đánh vào Kim Sơn. Đây cũng là trận chiến đấu đầu tiên ông tham gia và chỉ huy. Phía Việt Nam chỉ có hai khẩu súng trận, hai khẩu súng săn, nhưng súng trận không có đạn, súng săn bắn đạn ria chỉ làm quân Nhật bị thương, dùng mã tấu, võ thuật, nấp sau cổng làng, lũy tre đánh giáp lá cà với quân Nhật đến trưa quân Nhật phải lui. Đó là trận đánh mở đầu cho mô hình làng chiến đấu mà sau này được áp dụng rất thành công trong cuộc kháng chiến 9 năm.

Sau trận đánh, ông Mai Côn đi họp ở Tân Trào, ông cùng các đồng chí của mình ở lại lập một đại đội do ông là chỉ huy, dự định ngày 15/8 giành chính quyền. Đêm ngày 14/8, hai tiểu đội của đại đội bò vào tri phủ Kiến Thụy giành chính quyền thu 12 súng. Ngày hôm sau, 2 tiểu đội trên tiếp tục mang súng lấy được, hành quân sang huyện phủ Tiên Lãng giải tán huyện phủ Tiên Lãng. Ngày 20/8, Hà Nội giành chính quyền, ông và các đồng chí của mình họp quyết định thành lập ủy ban khởi nghĩa. 18 giờ chiều hôm đấy, đội tiến vào dinh tỉnh trưởng Kiến An rồi ngày 23 tiến quân sang Hải Phòng. Chính quyền Kiến An, Hải Phòng đều thuộc về tay nhân dân.

Giữa năm 1946, ông được điều về làm Chỉ huy trưởng huyện đội Kiến Thụy kiêm Chỉ huy trưởng du kích chiến đấu tỉnh Kiến An.

Ngày 20/11/1946, quân Pháp gây hấn ở Hải Phòng, trở về từ Hải Phòng ông báo cáo với Tỉnh ủy Kiến An để tổ chức luyện quân chuẩn bị chống Pháp. Đồng thời ông xin lãnh đạo tỉnh ủy cho chỉ huy một đại đội sang An Dương, Đường 5, đường sắt để đánh quân Pháp. Ngày 28-11, quân Pháp đưa một đại đội tấn công thăm dò trận địa của đại đội ông đang chốt ở Cam Lộ, Thiết Chanh. Ông đã chỉ huy đại đội đón đánh làm thương vong một nửa và nửa còn lại bỏ chạy. Đại đội ông thu một trung liên, một tiểu liên và 12 khẩu súng trường. Những ngày sau đó cho đến 10-12, đại đội của ông liên tiếp tham chiến và trận cuối cùng trước ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, đại đội ông đánh với một tiểu đoàn quân Pháp, diệt 126, hi sinh 3, bị thương 5 người.

Từ năm 1949 đến năm 1954, ông là Chỉ huy phó rồi Chỉ huy trưởng, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Kiến An.

Tháng 5 năm 1954, ông là Chỉ huy trưởng Thành đội Hải Phòng.

Từ tháng 1 năm 1955, ông lần lượt giữ các chức vụ Tham mưu phó rồi Phó Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn kiêm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 328.

Từ năm 1960 đến năm 1965, ông là Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu rồi Cục trưởng Cục liên lạc Đối ngoại Bộ quốc phòng.

Tháng 4 năm 1966, ông vào chiến trường làm Phó Tư lệnh Quân khu Trị Thiên Huế.

Tháng 4 năm 1968, ông là Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn.

Tháng 3 năm 1977 ông là Phó Chủ nhiệm Tổng cục xây dựng kinh tế Bộ Quốc phòng.

Từ năm 1978 đến năm 1988, ông là Phó Tổng tham mưu trưởng

Năm 1988, nghỉ hưu.

Ngày 1/11/2019, do tuổi cao, sức yếu, bệnh nặng, ông từ trần tại nhà riêng đường Trung Lực, phường Đằng Lâm, quận Hải An, thành phố Hải Phòng, thọ 97 tuổi.[3]

Đại tá (1958), Thiếu tướng (1974), Trung tướng (1982)